+7

Tìm hiểu về Apache Spark

Ngày nay có rất nhiều hệ thống đang sử dụng Hadoop để phân tích và xử lý dữ liệu lớn. Ưu điểm lớn nhất của Hadoop là được dựa trên một mô hình lập trình song song với xử lý dữ liệu lớn là MapReduce, mô hình này cho phép khả năng tính toán có thể mở rộng, linh hoạt, khả năng chịu lỗi, chi phí rẻ. Điều này cho phép tăng tốc thời gian xử lý các dữ liệu lớn nhằm duy trì tốc độ, giảm thời gian chờ đợi khi dữ liệu ngày càng lớn.

Dù có rất nhiều điểm mạnh về khả năng tính toán song song và khả năng chịu lỗi cao nhưng Apache Haddop có một nhược điểm là tất cả các thao tác đều phải thực hiện trên ổ đĩa cứng điều này đã làm giảm tốc độ tính toán đi gấp nhiều lần.

Để khắc phục được nhược điểm này thì Apache Spark được ra đời. Apache Spark có thể chạy nhanh hơn 10 lần so với Haddop ở trên đĩa cứng và 100 lần khi chạy trên bộ nhớ RAM.

1. Giới thiệu về Apache Spark

Apache Spark là một framework mã nguồn mở tính toán cụm, được phát triển sơ khởi vào năm 2009 bởi AMPLab. Sau này, Spark đã được trao cho Apache Software Foundation vào năm 2013 và được phát triển cho đến nay.

Tốc độ xử lý của Spark có được do việc tính toán được thực hiện cùng lúc trên nhiều máy khác nhau. Đồng thời việc tính toán được thực hiện ở bộ nhớ trong (in-memories) hay thực hiện hoàn toàn trên RAM.

Spark cho phép xử lý dữ liệu theo thời gian thực, vừa nhận dữ liệu từ các nguồn khác nhau đồng thời thực hiện ngay việc xử lý trên dữ liệu vừa nhận được ( Spark Streaming).

Spark không có hệ thống file của riêng mình, nó sử dụng hệ thống file khác như: HDFS, Cassandra, S3,…. Spark hỗ trợ nhiều kiểu định dạng file khác nhau (text, csv, json…) đồng thời nó hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ một hệ thống file nào.

2. Thành phần của Spark

Apache Spark gồm có 5 thành phần chính : Spark Core, Spark Streaming, Spark SQL, MLlib và GraphX, trong đó:

  • Spark Core là nền tảng cho các thành phần còn lại và các thành phần này muốn khởi chạy được thì đều phải thông qua Spark Core do Spark Core đảm nhận vai trò thực hiện công việc tính toán và xử lý trong bộ nhớ (In-memory computing) đồng thời nó cũng tham chiếu các dữ liệu được lưu trữ tại các hệ thống lưu trữ bên ngoài.

  • Spark SQL cung cấp một kiểu data abstraction mới (SchemaRDD) nhằm hỗ trợ cho cả kiểu dữ liệu có cấu trúc (structured data) và dữ liệu nửa cấu trúc (semi-structured data – thường là dữ liệu dữ liệu có cấu trúc nhưng không đồng nhất và cấu trúc của dữ liệu phụ thuộc vào chính nội dung của dữ liệu ấy). Spark SQL hỗ trợ DSL (Domain-specific language) để thực hiện các thao tác trên DataFrames bằng ngôn ngữ Scala, Java hoặc Python và nó cũng hỗ trợ cả ngôn ngữ SQL với giao diện command-line và ODBC/JDBC server.

  • Spark Streaming được sử dụng để thực hiện việc phân tích stream bằng việc coi stream là các mini-batches và thực hiệc kỹ thuật RDD transformation đối với các dữ liệu mini-batches này. Qua đó cho phép các đoạn code được viết cho xử lý batch có thể được tận dụng lại vào trong việc xử lý stream, làm cho việc phát triển lambda architecture được dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều này lại tạo ra độ trễ trong xử lý dữ liệu (độ trễ chính bằng mini-batch duration) và do đó nhiều chuyên gia cho rằng Spark Streaming không thực sự là công cụ xử lý streaming giống như Storm hoặc Flink.

  • MLlib (Machine Learning Library): MLlib là một nền tảng học máy phân tán bên trên Spark do kiến trúc phân tán dựa trên bộ nhớ. Theo các so sánh benchmark Spark MLlib nhanh hơn 9 lần so với phiên bản chạy trên Hadoop (Apache Mahout).

  • GrapX: Grapx là nền tảng xử lý đồ thị dựa trên Spark. Nó cung cấp các Api để diễn tảcác tính toán trong đồ thị bằng cách sử dụng Pregel Api.

3. Những điểm nổi bật của Spark

  • Xử lý dữ liệu: Spark xử lý dữ liệu theo lô và thời gian thực
  • Tính tương thích: Có thể tích hợp với tất cả các nguồn dữ liệu và định dạng tệp được hỗ trợ bởi cụm Hadoop.
  • Hỗ trợ ngôn ngữ: hỗ trợ Java, Scala, Python và R.
  • Phân tích thời gian thực:
    • Apache Spark có thể xử lý dữ liệu thời gian thực tức là dữ liệu đến từ các luồng sự kiện thời gian thực với tốc độ hàng triệu sự kiện mỗi giây. Ví dụ: Data Twitter chẳng hạn hoặc luợt chia sẻ, đăng bài trên Facebook. Sức mạnh Spark là khả năng xử lý luồng trực tiếp hiệu quả.
    • Apache Spark có thể được sử dụng để xử lý phát hiện gian lận trong khi thực hiện các giao dịch ngân hàng. Đó là bởi vì, tất cả các khoản thanh toán trực tuyến được thực hiện trong thời gian thực và chúng ta cần ngừng giao dịch gian lận trong khi quá trình thanh toán đang diễn ra.
  • Mục tiêu sử dụng:
    • Xử lý dữ liệu nhanh và tương tác
    • Xử lý đồ thị
    • Công việc lặp đi lặp lại
    • Xử lý thời gian thực
    • joining Dataset
    • Machine Learning
    • Apache Spark là Framework thực thi dữ liệu dựa trên Hadoop HDFS. Apache Spark không thay thế cho Hadoop nhưng nó là một framework ứng dụng. Apache Spark tuy ra đời sau nhưng được nhiều người biết đến hơn Apache Hadoop vì khả năng xử lý hàng loạt và thời gian thực.

Những doanh nghiệp sử dụng Apache Spark

Hiện nay, có rất nhiều hãng lớn đã dùng Spark cho các sản phẩm của mình như Yahoo, ebay, IBM, Cisco…

Tổng kết

Với sự phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây của Apache Spark thì lập trình viên, các nhà khoa học máy tính có thêm công cụ hữu hiệu để phục vụ công việc của mình và người ta sẽ dần quên “Hadoop Stack” mà thay thế vào đó sẽ là “Big data Stack”, với nhiều sự lựa chọn hơn không chỉ là Hadoop.

Tham khảo

https://spark.apache.org/

https://www.mastercode.vn/blog/web-development/apache-spark-la-gi.85

http://itechseeker.com/


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí